Trẻ sơ sinh có nằm máy lạnh được không ?

“Trẻ sơ sinh có thể nằm máy lạnh được không?” là câu hỏi thường được các mẹ quan tâm khi chăm sóc trẻ nhỏ. Máy lạnh rõ ràng là giúp không gian mát mẻ dễ chịu. Tuy nhiên, cơ thể trẻ sơ sinh yếu đuối và khác biệt rất nhiều so với người lớn. Vì vậy việc đặt trẻ trong môi trường máy lạnh cần được xem xét cẩn thận.


Yếu tố nhiệt độ đối với trẻ sơ sinh

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng. Nó gần như quyết định việc trẻ có thể phát triển khỏe mạnh được hay không. Trong đó, nhiệt độ là yếu tố có tác động lớn nhất đối với phần lớn trẻ nhỏ trong xã hội hiện đại Việt Nam. Với thể trạng mỏng manh, nhạy cảm của trẻ sơ sinh, bất cứ sự thay đổi nhiệt độ (mà người lớn cảm thấy không đáng kể) đều có thể tạo ra tác động lớn.

Khi ở trong bụng mẹ, trẻ được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ ổn định, 37.5 – 38oC. Khi chào đời, hệ thống thân nhiệt của con vẫn chưa được hoàn thiện nên chưa thể tự điều chỉnh ngay. Với các bé sinh thiếu tháng, hệ thống này càng yếu ớt. Cho nên nhiệt độ môi trường có vai trò rất lớn vào thời điểm này. Và ưu tiên hàng đầu của chúng ta khi chăm sóc trẻ chính là tạo ra môi trường nhiệt độ ổn định ở mức thích hợp. Việc quấn khăn, bao tay chân, đội nón, dùng máy lạnh, quạt máy… đều nhằm mục đích này.

Các nguy cơ sức khỏe mà nhiệt độ có thể gây ra cho trẻ


Chính vì thân nhiệt chưa ổn định, cơ thể còn quá nhạy cảm của trẻ sơ sinh dễ dàng bị nhiệt độ tấn công. Theo đó, môi trường lạnh hơn hay thấp hơn mức cần thiết đều sẽ để lại những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe của bé. Ví dụ như

Trẻ ở trong môi trường có nhiệt độ cao, nhẹ thì sẽ khó chịu, quấy khóc, mất nước vì đổ mồ hôi, ngứa ngáy vì rôm sảy, nặng hơn thì có thể dẫn đến chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Trẻ ở trong môi trường quá lạnh sẽ khô da, khô mũi, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm phổi, suy hô hấp, hệ thống tuần hoàn trong cơ thể suy giảm,…

Trong trường hợp bị nhiễm lạnh, bệnh lý có thể chuyển thành mãn tính, đeo bám trẻ suốt đời, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống trong tương lai. Vì vậy mà nhiều bà mẹ rất băn khoăn khi cho trẻ dùng máy lạnh, mặc dù máy lạnh tạo cảm giác sảng khoái, lại hạn chế đáng kể vấn đề rôm sảy. Vậy ý kiến của các bác sĩ về việc này như thế nào?

Trẻ sơ sinh nằm máy lạnh được không?


Không có câu trả lời tuyệt đối cho câu hỏi “Trẻ sơ sinh nằm máy lạnh được không” vì còn phải xem xét tình trạng mỗi bé. Ví dụ, phần lớn trẻ có thể nằm máy lạnh, nhưng nhiệt độ và cường độ gió phải được cha mẹ chú ý kiểm soát. Nhưng với các trẻ thiếu tháng, việc nằm máy lạnh lại không thể. Một số trẻ thiếu tháng khi mới sinh có thể sẽ phải nằm trong lồng chăm sóc đặc biệt. Lúc này nhiệt độ lồng do bác sĩ phụ trách. Khi trẻ được ra khỏi lồng, cha mẹ vẫn nên ưu tiên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều khả năng trẻ vẫn nên ở nhiệt độ thường cho đến khi đủ lớn (khoảng 1-2 tháng) hoặc đủ khỏe thì mới cho nằm máy lạnh.

Hơn hết, cha mẹ cần nhớ mục đích lớn nhất khi cho trẻ sơ sinh nằm máy lạnh là để đảm bảo nhiệt độ ổn định ở mức thoải mái cho trẻ. Nên đừng dùng cảm giác của bản thân để cài đặt nhiệt độ máy. Trẻ em không hề là “người lớn thu nhỏ”, nhu cầu nhiệt của trẻ cũng khác so với người trưởng thành. Để an tâm và chắc chắn hơn, bạn nên tham khảo ý kiến, xin lời khuyên của bác sĩ phụ trách.

Hoặc bạn cũng có thể cân nhắc kinh nghiệm được tổng kết ở phần tiếp theo của bài viết. Chúng có thể được áp dụng cho phần lớn trường hợp, với các bé sinh đủ tháng và có tốc độ phát triển, tình trạng sức khỏe bình thường.

Những lưu ý khi cho trẻ sơ sinh nằm máy lạnh


Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ sơ sinh khi nằm trong phòng điều hòa, các bậc cha mẹ hãy học cách sử dụng đúng như sau:

Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Theo khuyến nghị, mức nhiệt độ phù hợp với bé là từ 25oC đến 27oC. Cha mẹ nên ưu tiên cài đặt theo nhu cầu của bé, đừng vì cảm giác của mình mà vô tình làm hại con.

Nếu nhiệt độ từ 28oC trở lên, trẻ sẽ toát nhiều đổ mồ hôi, nổi rôm sảy và tăng nguy cơ đột tử.

Nếu nhiệt độ từ 23oC trở xuống, trẻ sẽ dễ bị lạnh, từ đó mắc các bệnh về đường hô hấp.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nhớ phải giữ nhiệt độ ổn định. Không nên tăng giảm nhiệt độ liên tục dù là trong ngưỡng an toàn. Vì như vậy có thể sẽ khiến trẻ bị stress, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Chú ý luồng gió máy lạnh
Thông thường, máy lạnh được lắp ở trên cao, nên hơi lạnh khi tỏa ra sẽ chìm xuống từ từ, làm mát phòng nhẹ nhàng. So với quạt máy, nó mang đến một ưu điểm lớn là giảm đáng kể cường độ gió, tránh tình trạng thốc gió vào người. Dù cảm giác về cường độ gió của máy lạnh đã nhẹ hơn, nhưng đối với trẻ nhỏ, cha mẹ vẫn không nên chủ quan. Hãy đảm bảo hướng thổi của máy không trực tiếp phà vào bé, đặc biệt là ở các bộ phận như mặt, đầu.

Kiểm soát thời gian sử dụng máy lạnh
Không lạm dụng điều hòa là lời khuyên đúng với mọi trường hợp người dùng, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Nằm máy lạnh 24/24 dễ khiến bé bị khô da và mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm phổi,… Thay vào đó, cha mẹ chỉ nên mở máy lạnh cho con trong khoảng 4 giờ liên tiếp vào buổi trưa nắng nóng. Còn lúc sáng sớm và chiều mát, hãy tắt máy và mở cửa sổ (nếu trời đẹp, không có gió lùa) cho phòng thông thoáng. Sử dụng máy lạnh hợp lý sẽ giúp cơ thể bé dần thích ứng với môi trường bình thường.

Nếu có việc cần phải đưa trẻ ra khỏi phòng máy lạnh, cha mẹ cần lưu ý tắt máy trước và vẫn giữ phòng kín cho hơi lạnh tan từ từ. Trong thời gian chờ này, cơ thể bé cũng sẽ điều chỉnh theo môi trường tốt hơn, tránh bị sốc khi thực sự được đưa ra ngoài. Khi trở về phòng máy lạnh, cha mẹ cũng nên cho trẻ làm quen lại bằng cách đặt bé ở khu vực trung gian (cửa ra vào) khoảng 5-10 phút.

Vệ sinh máy lạnh thường xuyên
Vệ sinh máy lạnh là việc cần được thực hiện định kỳ. Khi nhà đón trẻ sơ sinh, cha mẹ càng nên vệ sinh máy thường xuyên để đảm bảo không có bụi bẩn li ti phát tán vào phòng theo làn gió. Hãy luôn nhớ rằng những hạt bụi này dù có thể vô hại với bạn nhưng với con – có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện – thì lại khác.

Ngoài máy lạnh, toàn bộ căn phòng cũng cần được đảm bảo vệ sinh. Hãy loại bỏ những đồ vật không cần thiết để phòng thông thoáng, dễ quét dọn, giặt sạch ra giường, mền gối và rèm cửa. Như vậy, bạn sẽ giảm được đáng kể nguy cơ nấm mốc và vi khuẩn mang mầm bệnh sinh sôi.

Sử dụng trang phục, phụ kiện phù hợp
Với tâm lý hay lo lắng của cha mẹ, sợ con còn quá yếu ớt, bạn có thể có xu hướng cho con mặc nhiều quần áo, quấn kín chăn, ủ mền để giữ ấm. Nhưng thực ra điều này không quá cần thiết. Nếu phòng đã được máy lạnh giữ ổn định ở 25oC đến 27oC, bạn chỉ cần cho con mặc quần áo bình thường, có thể đắp thêm 1 lớp chăn mỏng ngang bụng. Lớp chăn sẽ giúp tránh tình trạng giãn nở lỗ chân lông dẫn đến cảm lạnh. Trang phục mỏng nhẹ, thấm hút tốt sẽ giúp trẻ không bị đổ mồ hôi trộm, từ đó hạn chế nguy cơ cảm, nhiễm lạnh. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra tã thường xuyên vì tã ướt cũng sẽ khiến bé bị lạnh.

Giữ ẩm cho bé
Một khuyết điểm của máy lạnh là có khả năng làm khô da cao hơn quạt máy. Nhất là đối với các dòng máy cũ, công nghệ làm lạnh chưa được tốt. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục dễ dàng. Cha mẹ chỉ cần chú ý quan sát trẻ, tùy tình trạng khô mà chọn cách cấp ẩm cho con phù hợp. Ví dụ như nhỏ mắt, mũi cho con bằng nước muối sinh lý mỗi khi tắm hoặc khi vệ sinh cơ thể buổi sáng, cho con bú thường xuyên hơn để tiếp nước, hoặc sử dụng các loại kem thoa da có tác dụng dưỡng ẩm. Hiện nay, việc sử dụng kem dưỡng ẩm cho bé đã rất phổ biến nên vấn đề khô da không còn đáng lo ngại.

Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý không nên dùng các loại máy cấp ẩm bằng cách tỏa hơi nước vào phòng. Vì lượng hơi nước này có thể không đảm bảo vệ sinh, hoặc gây nhiễm lạnh cho bé dưới tác dụng của máy lạnh.

—> Lời kết
Mong rằng những thông tin được chia sẻ trên đây đã giúp bạn trả lời được câu hỏi trẻ sơ sinh nằm máy lạnh được không? Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc lo ngại nào khác về tác động của máy lạnh đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên trực tiếp hỏi ý kiến bác sĩ. Họ là người hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bé nhà bạn, cũng như có hiểu biết sâu, kinh nghiệm dày dặn, nên sẽ đưa ra được những lời khuyên thực sự hữu ích.